The.View #2: Tác động của bầu cử Mỹ lên thị trường và phản ứng của Fed.
Ngắn gọn các kịch bản của cuộc bầu cử Mỹ. FOMC tháng 11 và plan thời gian này.
Điểm quan trọng.
Có 4 kịch bản cho cuộc bầu cử này:
Red Sweep: Có lợi cho USD và cổ phiếu, không tốt cho trái phiếu; lạm phát tăng và Fed có thể hawkish hơn.
Red Split: Ít tác động hơn Red Sweep, nhưng vẫn gây áp lực lạm phát. Fed neutral.
Blue Split: Giữ ổn định, hỗ trợ tài sản rủi ro; Fed dovish.
Blue Sweep: Không lợi cho cổ phiếu, trái phiếu có khả năng vượt trội hơn. Fed neutral.
Mình không có edge dự đoán kết quả bầu cử, vì vậy giảm thiểu rủi ro trước sự kiện và chuẩn bị các kịch bản là sự lựa chọn tối ưu. Theo dõi phản ứng của thị trường so với các dự đoán để điều chỉnh vị thế giao dịch phù hợp với bức tranh lớn của nền kinh tế.
Kỳ vọng FOMC và thị trường sau bầu cử: Fed có thể duy trì lãi suất cao hơn, và tùy vào kết quả bầu cử, thị trường trái phiếu và cổ phiếu sẽ có các cơ hội giao dịch ngắn hạn do các biến động và re-pricing xảy ra.
Xin chào Trader.
Mình là Hoàng và đây là thư The.View tới từ Anh Họa Sỹ Trading. Thư là tổng hợp chi tiết góc nhìn cụ thể của mình về một chủ đề quan trọng trên thị trường tài chính thế giới hiện nay. Thư có mục đích làm rõ hơn những quan sát và phân tích mình có đưa ra ở The Daily Obs. Hi vọng anh em sẽ tìm được ý tưởng giao dịch chắc chắn hơn là chỉ kẻ vẽ.
Tóm tắt các kịch bản của cuộc Bầu cử.
Theo mình chúng ta nên tiếp cận cuộc bầu cử Mỹ này bằng cách giảm thiểu vị thế trước sự kiện và chuẩn bị cho mọi kết quả có thể xảy ra. Khi có kết quả, mình sẽ so sánh phản ứng của thị trường với dự đoán để xem thị trường đang hiểu và price in kết quả này như thế nào, đã phản ánh đúng kết quả, hay đã phản ứng thái quá.
Theo mình, kịch bản extreme nhất là một trong hai đảng thắng áp đảo (Xanh - Blue sweep hoặc Đỏ - Red sweep). Dưới đây, mình chia ra những khác biệt chính sách quan trọng trong từng kịch bản và phản ứng có thể có của Fed.
Tuy nhiên, điều quan trọng anh em trader cần nhớ là thị trường đã phản ánh những điều này vào giá hay chưa. Đây lại là câu chuyện khác. Cá nhân mình sau khi quan sát giá của tất cả các loại tài sản chính, mình nghĩ thị trường đang nghiêng về khả năng Đỏ thắng và chưa tính đến kịch bản Xanh thắng áp đảo.
Chúng ta có 4 kịch bản: Red sweep (Đảng Cộng Hòa kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện), Red split, Blue sweep, và Blue split.
Red sweep.
Kịch bản Đỏ thắng áp đảo sẽ cho phép Đảng Cộng Hòa cắt giảm thuế doanh nghiệp, và lợi nhuận capital gains của các nhà đầu tư, tăng năng suất thông qua deregulation, tăng thuế quan, và hạn chế nhập cư. Tăng trưởng khả năng là sẽ bị ảnh hưởng và lạm phát sẽ tăng. Fed sẽ phải phản ứng lại một cách hawkish để cân bằng lại lạm phát. Nhu cầu lao động theo mình sẽ được thị trường tự điều chỉnh và cân đối theo các chính sách nhập cư và tác động của thuế quan. Một kịch bản tốt cho cổ phiếu (ở mức vừa vừa), tốt cho USD, và không tốt cho trái phiếu.

Red split.
Kết quả Red Split sẽ hạn chế khả năng của chính quyền Trump trong việc giảm thuế, nhưng các chính sách thuế quan, nhập cư và nới lỏng quy định theo mình vẫn có thể được thực thi, chỉ có điều không được nhanh. Tác động đến nền kinh tế sẽ mang tính lạm phát và không có lợi cho tăng trưởng. Cổ phiếu sẽ khó nhận được ưu đãi giảm thuế. Điểm tích cực cho nền kinh tế và chính quyền là Fed có thể dễ dàng quay lại trạng thái trung lập hơn, đặc biệt khi chính quyền sẽ tập trung nhiều hơn vào Fed.

Blue split.
Theo mình kết quả Blue split sẽ có lợi cho sự ổn định đang có của thị trường. Không có gì thay đổi nhiều ở đây, thâm hụt ngân sách tăng ít hoặc không tăng, và Fed có thể áp dụng chính sách nới lỏng. Trái phiếu có khả năng vượt trội hơn cổ phiếu, nhưng cổ phiếu cũng … ổn. Tình huống này nhìn chung mình nghĩ có lợi cho các tài sản.

Blue sweep.
Blue Sweep cho phép Đảng Dân chủ tăng thuế mạnh mẽ lên các công ty và realized capital gains. Thuế quan có thể không thay đổi nhiều, nhưng các quy định mới sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động. Tình trạng nhập cư sẽ tiếp tục, điều này mang tính giảm phát nhiều hơn nhưng hỗ trợ tăng trưởng. Thâm hụt ngân sách sẽ tăng do chi tiêu mới. Tuy nhiên, Fed sẽ thận trọng hơn trong việc giảm lãi suất do tình hình chi tiêu tài chính. Cổ phiếu và trái phiếu chắc sẽ có màn trình diễn trung bình do thay đổi chính sách thuế, nhưng trái phiếu theo mình sẽ vượt trội hơn với kết quả này. Giá dầu có khả năng tăng khi chính quyền hạn chế khoan dầu và tình hình địa chính trị phức tạp hơn.

Điều gì đã được price in?
Khi suy nghĩ về những tác động của cuộc bầu cử lên thị trường cổ phiếu và trái phiếu, mình chỉ có thể ước lượng bằng … cảm giác (là chính) khoảng cách hợp lý giữa 2 Đảng. Tất nhiên là khi chuẩn bị cho bài này mình có đọc 1 vài phân tích mang tính định lượng hơn của 1 số shops lớn, nhưng tóm lại thì nó cũng không đem lại nhiều sự khác biệt. Ok, dựa vào những bảng trên mình nghĩ rằng:
Cắt giảm thuế so với tăng thuế capital gains có tác động trực tiếp đến định giá của thị trường cổ phiếu và dòng vốn liên quan tới thuế.
Lãi suất dài hạn cũng sẽ tăng do các chính sách nhập cư và thuế quan của Đảng Cộng hòa có thể được thực thi bất kể là họ kiểm soát hoàn toàn hay 1 phần Quốc hội. Trong khi lãi suất sẽ giảm do tăng thuế và nới lỏng chính sách nhập cư nếu Đảng Dân chủ thắng thế hoàn toàn. Nếu Đảng Dân chủ kiểm soát một viện, mình nghĩ Fed hoàn toàn có thể duy trì chính sách nới lỏng hơn.
Bất kỳ một sự kiểm soát hoàn toàn Quốc hội nào sẽ tạo ra sự khác biệt rất rõ rệt, trong khi kiểm soát một viện có xu hướng ít ảnh hưởng hơn.
Thị trường betting và các polls cho thấy khả năng thắng của Đảng Cộng hòa cao hơn Đảng Dân chủ, vì vậy thị trường có lẽ đang price in khả năng thắng của Đảng Cộng hòa cao hơn.
Cổ phiếu.
Mình không có model tác động của thuế lên SPX, còn các shop mình xem đều có target khác nhau và range cũng rộng. Nhưng nhìn chung là Trump thắng thì SPX >6000, còn Harris thắng thì SPX <5400. Tức đơn giản là Đỏ thắng thì SPX lên, còn Xanh thắng thì SPX xuống.
Anh em trader cũng chỉ cần biết thế là được, còn cái kiểu dự báo target cho index mình thấy hơi vô dụng.
Lợi suất kỳ hạn 10 năm.
Một lần nữa, mình giữ quan điểm giảm giá với trái phiếu kỳ hạn 10-năm (lợi suất tăng) do nguồn cung và nền kinh tế tương đối mạnh đi kèm với lạm phát trên mục tiêu. Trong phân tích này, mình đang tạm thời giả định lợi suất hiện tại là hợp lý.
Chiến thắng của Đảng Đỏ sẽ đem lại hạn chế nhập cư, tăng thuế quan nhập khẩu và giảm thuế doanh nghiệp, có khả năng gây lạm phát mạnh. Trong khi áp lực lạm phát này có thể hạn chế tăng trưởng, việc nới lỏng luật và quy định có thể bù đắp lại các tác động tiêu cực này. Vì nhập cư bị hạn chế và có thể là thuế quan trong tương lai, lực lượng lao động cũng sẽ bị hạn chế, loại bỏ rủi ro suy yếu của thị trường lao động trong dual mandate của Fed. Điều này sẽ giúp Fed tập trung vào việc kiểm soát lạm phát và có khả năng giữ lập trường hawkish hơn bây giờ.
Một chiến thắng của Đảng Xanh sẽ dẫn đến việc tăng thuế và tăng trưởng chậm lại trong khi lạm phát sẽ được kiểm soát, điều này cho phép Fed giữ chính sách dovish hơn.
Tổng hợp lại, với kỳ vọng lạm phát sẽ chênh lệch khoảng 30bps, và lãi suất thực chênh lệch 20bps, đi cùng với xác suất Trump thắng lớn hơn (trung bình đang ở 62%), lợi suất kỳ hạn 10 năm mình nghĩ có thể tăng thêm 23bps nếu Đảng Đỏ thắng hoàn toàn và giảm 27bps nếu Đảng Xanh thắng, tương ứng khoảng 4.5% và 4%.
Kế hoạch.
Quan điểm của mình về trái phiếu và cổ phiếu thực ra là vẫn không thay đổi. Mình vẫn thấy ít tiềm năng trong việc nắm giữ cả hai loại tài sản này. Nhưng nếu bắt mình phải chọn thì mình thấy cầm cổ vẫn hơn là trái phiếu.
Cuộc bầu cử chắc chắn sẽ làm giá thị trường biến động mạnh và tạo ra vô khối cơ hội. Sự hấp dẫn tương đối của trái phiếu và cổ phiếu sau những biến động này sẽ thay đổi khác đi tùy thuộc vào kết quả sắp xếp chính trị sắp tới. Đối với anh em uống trà đá, bấm điện thoại để trade ở góc phố Dịch Vọng Hậu như mình thì tốt hơn hết là nên thảo luận sau khi bầu cử kết thúc.
Về mặt chiến thuật, khi cuộc bầu cử có kết quả, mình sẽ so sánh phản ứng của thị trường với dự đoán của mình và đưa ra vị thế phù hợp với những cơ hội mình nhìn thấy trên thị trường.
FOMC prep.
Từ nay đến cuộc họp FOMC, Fed sẽ có thêm các số liệu về GDP, Core PCE và tỷ lệ thất nghiệp. GDP có khả năng sẽ trên 3%. Core PCE gần như đã được ấn định bởi chỉ số CPI/PPI và giá nhập khẩu tăng, đạt mức 0.25% hoặc 3% annualized. Số liệu về việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ khó phân tích do ảnh hưởng từ các cuộc đình công và bão lụt. Ngoài ra, còn thêm cả cuộc bầu nữa.
Mình vẫn không thấy lý do gì để Fed cắt giảm lãi suất, nhưng mình nghĩ rằng họ sẽ vẫn làm vậy, trừ khi dữ liệu việc làm cho thấy sự nóng lên rõ rệt của thị trường lao động. Kết quả bầu cử cũng có thể ảnh hưởng đến chính sách của Fed trong dài hạn, như đã đề cập ở trên, vì các kịch bản chính trị khác nhau sẽ định hướng cho chính sách tài khóa, nhưng mình không nghĩ điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc họp FOMC lần này.
Lý do tại sao Fed lại nên tạm dừng cắt trong 1 trong 2 cuộc họp FOMC tháng 11 và 12, anh em có thể tham khảo ở số TDO #139 này nhé.
Thị trường Fed Funds futures đang pricing xác suất 35% cho việc tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 12. Sự thay đổi trên thị trường sau cuộc họp FOMC tháng 9 rất rõ rệt. Thị trường đã chuyển từ kỳ vọng cắt giảm lãi suất nhiều hơn so với SEP sang kỳ vọng rằng Fed sẽ duy trì lãi suất cao hơn và lâu dài hơn. Mình hoàn toàn không đồng ý với quan điểm trước đó và cho rằng Fed sẽ buộc phải giảm lãi suất ít hơn, đồng thời điều chỉnh SEP để gần hơn với pricing của thị trường hơn khi các dữ liệu kinh tế mới được công bố.
Tóm lại.
Mình không có tí edge nào trong việc dự đoán kết quả của cuộc bầu cử. Vì không có lợi thế, mình giảm thiểu rủi ro. Không có vị thế nào bước vào giai đoạn này là hay nhất.
Tuy nhiên, mình xem xét bức tranh tổng thể của nền kinh tế, vốn sẽ không thay đổi nhiều dù kết quả ra sao, và sẽ giao dịch theo bức tranh lớn này. Để tiện cho anh em thì bức tranh lớn mình thấy nó kiểu kiểu thế này:
Nền kinh tế vẫn mạnh mẽ và lạm phát chưa được kiểm soát hoàn toàn, điều này ủng hộ cổ phiếu hơn tiền mặt, và tiền mặt hơn trái phiếu, với giả định Fed tiếp tục chính sách tiền tệ dễ dàng, lợi nhuận tiếp tục khả quan, và AI có thể tạo ra một "phép màu" về năng suất lao động. Hiện tại, không có lý do rõ ràng cho thấy những giả định về tương lai trên là sai.
Để lạm phát trở về mục tiêu một cách bền vững, mình ở camp Fed sẽ phải giữ lãi suất ngắn hạn cao hơn mức đã dự kiến trong SEP và cần lợi suất dài hạn tăng đáng kể để thắt chặt Financial conditions.
Kho bạc sẽ phải tăng phát hành Coupon vs Bill vào năm 2025.
Fed có thể sẽ phải bắt đầu chú ý hơn vào các balance sheet policy, điều này cho phép Kho bạc phát hành ít kỳ hạn hơn vào private sector. Nếu Kho bạc từ chối tăng phát hành kỳ hạn dài, Fed có thể phải giảm bảng cân đối nhiều hơn để đạt được mục tiêu của mình.
Định giá của tất cả các loại tài sản đều hơi cao hoặc cao (tùy xem bạn hỏi ai, xem research của shops nào).
Nhóm Real Money đang có vị thế đòn bẩy cao đối với các tài sản, trong khi các Hedge Funds có ít hứng thú với việc tăng đòn bẩy ở môi trường hiện tại.
Tóm lại, mình mong chờ sự biến động lớn trong 2 tuần tới. Về mặt chiến thuật, mình sẽ có ước tính tác động của các kết quả bầu cử khác nhau lên từng loại tài sản và sẽ so sánh phản ứng tức thời của thị trường với các ước tính trước đó của mình để nếu có thể thì có trades.
Ví dụ, mình cho rằng kết quả tốt nhất cho các tài sản chung là kịch bản Blue Split, vì điều này lý tưởng để duy trì trạng thái “goldilocks” đang có và cho phép Fed duy trì chính sách dễ dàng nhất. Nếu cổ phiếu và các risk assets khác như cryptos giảm mạnh trong tình huống này, mình chắc chắn sẽ LONG dù điều này trái với góc nhìn lớn của mình. Ngược lại, nếu cổ phiếu tăng mạnh trong trường hợp Red Sweep, mình có thể sẽ quay lại với ý tưởng SHORT index. Nhưng chủ yếu, mình kỳ vọng thị trường sẽ nhanh chóng re-price đến mức gần như hiện tại. Khi điều đó xảy ra, hi vọng là chúng ta có thể giữ các vị thế phản ánh đúng quan điểm tổng thể đã đề ra.
Chúc anh em giao dịch kỳ bầu cử này thành công.
Cheers! 🍻
Telegram channel: https://t.me/AnhHoaSy
Câu hỏi, phản hồi, comments, hoặc bất cứ chuyện gì liên quan tới trading? Nhắn cho mình vào Telegram id @hoangnguyen0511