The Daily Obs. #148: Liệu Trump sẽ làm gì
Tiếp tục những suy nghĩ về Trump, tariffs, và US 2025.
Điểm quan trọng.
Trump nhiệm kỳ 2 có khả năng sẽ ưu tiên tạo việc làm hơn là thúc đẩy lạm phát. Mặc dù có thể sử dụng thuế quan như công cụ đàm phán (60% với TQ, 20% với EU), nhưng đây chỉ là chiến thuật ban đầu vì Trump thắng cử phần lớn nhờ lạm phát dưới thời Biden. Một cú sốc lạm phát mới từ thuế quan sẽ khiến cử tri thất vọng.
Các kế hoạch cắt giảm chi tiêu, thuế và an sinh xã hội sẽ rất khó thực hiện. Thâm hụt ngân sách khó giảm từ mức 6% GDP hiện tại. Kế hoạch trục xuất người nhập cư hàng loạt cũng không khả thi do chi phí cao và tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, nhưng dòng nhập cư sẽ chậm lại.
Vấn đề cốt lõi nằm ở việc Trump đang tập trung vào tài khoản vãng lai (cán cân thương mại) thay vì tài khoản vốn. Trump không thể đồng thời có thuế quan cao và USD yếu nếu không xem xét tài khoản vốn. S&P 500 sẽ đóng vai trò kiềm chế các chính sách cực đoan về thuế quan và nhập cư của Trump.
Xin chào Trader.
Mình là Hoàng và đây là thư The Daily Obs. tới từ Anh Họa Sỹ Trading. Thư là những quan sát và phân tích hàng ngày về thị trường tài chính thế giới giúp cho bạn có được những ý tưởng giao dịch chắc chắn hơn là chỉ kẻ vẽ. Thư tập trung nhiều chút vào FX, và Chỉ số chứng khoán, một chút vào Hàng hóa, và Cryptos.
Vào dịp cuối năm sắp tới này mình sẽ tập trung nhiều hơn vào việc viết những suy nghĩ về thị trường trong năm 2025 hơn là phân tích những gì đang diễn ra. Việc viết này hi vọng là sẽ giúp mình có những suy nghĩ mạch lạc rõ ràng hơn, và nếu có sai gì thì còn dễ dàng phát hiện.
Mình sẽ viết tiếp về Trump cho tới khi mình cảm thấy các suy nghĩ của mình về nước Mỹ 2025 được định hình chắc chắn hơn.
Khi nghĩ về nước Mỹ 2025, mình thấy có thể là chính phủ mới này của Trump sẽ muốn tập trung vào tạo việc làm hơn là tập trung vào các chính sách tạo ra lạm phát. Mặc dù ban đầu những phát ngôn về thuế quan sẽ gây lo ngại cho thị trường, nhưng với đội hình “All-stars” mới mình cho rằng đàm phán thuế quan sẽ là ưu tiên trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ chứ không phải là áp thuế mạnh mẽ ngay và luôn. Nếu có triển khai áp thuế luôn, mình nghĩ trong quá trình đàm phán Trump sẽ gỡ bỏ bớt những hàng rào thuế quan khi đạt được mục tiêu đàm phán. Triển vọng với châu Âu khả quan hơn Trung Quốc, không phải vì Trump sẽ nương tay mà vì châu Âu có nhiều lựa chọn đối phó hơn. Dù vậy, rủi ro vẫn còn do căng thẳng Mỹ-Trung vẫn tồn tại.
Một dự luật điều chỉnh đang được chuẩn bị, tập trung vào việc gia hạn gói cắt giảm thuế 2017. Việc này đi cùng với các chính sách về an ninh biên giới, sản xuất năng lượng, cắt giảm an sinh xã hội, chi tiêu phi quốc phòng, Medicare, etc., và quyết tâm tiết kiệm $2T của team Elon Musk (DOGE) thực sự mình thấy rất khó để thực hiện. Khả năng cắt giảm chi tiêu là không nhiều, thu từ thuế quan còn thấp, trong khi đó tác động từ lạm phát sẽ khiến cử tri không hài lòng. Việc đảo ngược chính sách IRA cũng khó khăn do liên quan đến việc làm ở các bang Đỏ. Thâm hụt lớn theo mình rất khó để giảm về mức 3% GDP như Bessent mong muốn, mình nghĩ thâm hụt ngân sách còn dễ tăng từ mức 6% hiện tại hơn. Tuy nhiên, thâm hụt tăng không có nghĩa là nó nhất thiết phải dẫn tới tăng trưởng và lạm phát.
Mình thấy các chính sách nhập cư và trục xuất hàng loạt cũng khó thực hiện do chi phí cao và Đảng Cộng hòa đang tìm nguồn tài trợ cho cắt giảm thuế, trong khi việc gián đoạn kinh doanh do thiếu hụt lao động sẽ gây phản ứng dữ dội. Tuy nhiên, dòng nhập cư sẽ chậm lại, tạo áp lực tăng lương và đầu tư vốn thay thế lao động. Ngành năng lượng sẽ được thúc đẩy đầu tư. Ủng hộ fracking sẽ giúp kiềm chế giá dầu, trong khi mình thấy khó xảy ra gián đoạn sản xuất tại Trung Đông.
Trump sẽ rất nghiêm túc và quyết liệt với thuế quan, nhưng mức 60% với Trung Quốc, 20% với châu Âu, 25% với Mexico và Canada theo mình chỉ là con số để tạo vị thế đàm phán. Lập luận lớn nhất chống lại thuế quan cao là Trump thắng cử phần lớn nhờ lạm phát tăng cao dưới thời Biden. Tạo thêm cú sốc lạm phát lúc này sẽ khiến cử tri thất vọng.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại năm 2018 cho thấy lạm phát tăng vọt vì thuế quan, nhưng sau đó giá một số hàng hóa giảm mạnh. Điều này khiến cho thị trường có khả năng sẽ nhìn nhận cú sốc giá từ thuế quan như kiểu là “1 lần rồi thôi”.
Điều đáng lo hơn ở đây theo mình là kế hoạch thuế của Đảng Đỏ xem thuế quan như một nguồn thu thực sự. Việc dùng thuế quan như nguồn thu chính sẽ làm phức tạp quá trình đàm phán, hạn chế cơ hội Trump tạo ra chiến thắng trong đàm phán. Nếu thực sự cần nguồn thu từ thuế quan, khả năng gây sức ép để các nước khác nhượng bộ sẽ giảm. Ví dụ, thu hút nhà máy từ Đức vào Mỹ sẽ ít tốn kém hơn là áp thuế và chịu sốc lạm phát trong 2 năm đầu nhiệm kỳ.
Hiện Trump tập trung vào cán cân thương mại. Mình thì nghĩ rằng thâm hụt ở Mỹ phản ánh thặng dư ở nơi khác. Theo đó, Capital Account mới quyết định Current Account, không phải ngược lại. Chính sách thương mại của Trump có thể gây một vài vấn đề với Mỹ, nhưng mình thấy nó còn gây khó khăn hơn cho phần còn lại của thế giới, điều này đồng nghĩa với việc thuế quan khó thu hẹp thâm hụt Mỹ. Trong khi đó cả châu Á và Âu vẫn đang muốn nắm giữ USD dưới dạng trái phiếu Mỹ.
Trump muốn cả thuế quan và một đồng USD yếu đi, nhưng việc áp thuế Trung Quốc sẽ làm yếu Nhân dân tệ. Vậy nếu các đồng tiền (của các quốc gia bị áp thuế) này tiếp tục mất giá, động thái tiếp theo sẽ là gì?
Nếu Trung Quốc “hứa” mua đủ máy bay (và hàng hóa từ Mỹ), thị trường tài chính toàn cầu có thể tránh được cú sốc lớn. Nhưng liệu Trump có thành công với điều này không thì mình chịu. Rủi ro ở đây sẽ vẫn là thâm hụt thương mại với Trung Quốc sẽ tiếp diễn, và Trung Quốc liệu có đủ nỗ lực tung ra chính sách tài khóa hướng về việc kích thích tiêu dùng trong nước.
Hiện nay Trump chỉ tập trung vào Current Account mà không phải Capital Account. Liệu điều này sẽ kéo dài bao lâu?
Vậy những động thái bất ngờ có thể là gì?
Can thiệp vào Fed đang là một đầu việc nhận được sự chú ý của truyền thông. Nhưng can thiệp thế nào trong điều kiện rào cản pháp lý hiện tại thì mình không rõ nữa. Fed vẫn độc lập và khả năng sẽ phải lean hawkish trong thời gian tới, kết hợp với thuế quan là công thức cho USD mạnh và thâm hụt thương mại. Trump sẽ phải làm gì đây?
Nói chung các suy diễn trong bài viết này của mình chủ yếu dựa trên góc độ kinh tế. Trong khi đó động cơ của Trump và các nhà chiến lược gia chính trị có thể nằm ở nơi khác. Do vậy, tất cả các suy nghĩ này chỉ mang tính … tập luyện là chính.
Hiện tại mình nghĩ S&P 500 sẽ đóng vai trò “hậu vệ” kèm chặt chính sách cực đoan về thuế quan và trục xuất người nhập cư của Trump. Phản ứng của S&P sẽ làm dịu các chính sách cực đoan về thuế quan và nhập cư, trong giới hạn nó được xem là gây lạm phát.
Mình nghiêng về việc Trump ban đầu nên đi theo hướng tìm kiếm “chiến thắng” ở thị trường việc làm hơn là tự tạo cú sốc lạm phát. Trump đơn giản không thể vừa có thuế quan vừa thoát khỏi USD mạnh trừ khi xem xét chính sách liên quan tới Capital Account. Nếu có những narrative mới nổi xoay quanh tài khoản này mình sẽ flag cho anh em.
Chúc anh em cuối tuần vui vẻ.
Cheers 🍻
Telegram channel: https://t.me/AnhHoaSy
Threads city: https://www.threads.net/@anhhoasy
Câu hỏi, phản hồi, comments, hoặc bất cứ chuyện gì liên quan tới trading? Nhắn cho mình vào Telegram id @hoangnguyen0511