TFI #5: Đọc và giao dịch narrative trên thị trường
Câu chuyện nào được thị trường quan tâm thì là câu chuyện quan trọng nhất. Cách nhận biết và tận dụng chu kỳ narrative trong thị trường tài chính toàn cầu.
Điểm quan trọng.
Con người bị ảnh hưởng bởi các câu chuyện. Chính vì thế narrative (câu chuyện) là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới hướng đi của giá tài sản.
Chu kỳ narrative gồm 6 giai đoạn: từ khi chưa ai để ý đến lúc lên đỉnh và hết trend — việc xác định đúng giai đoạn giúp trader giao dịch tốt hơn và không bị bất ngờ với các câu chuyện thị trường.
Xin chào Trader.
Mình là Hoàng và đây là thư Trading for Idiots tới từ Anh Họa Sỹ Trading. Thư là góc nhìn, cách suy nghĩ, và có thể là các hướng dẫn của mình về những vấn đề xoay quanh trading thị trường tài chính thế giới. Hi vọng mọi người có thể tìm được những điều có ích trong series này.
"We have to consider the possibility that sometimes the dominant reason why a recession is severe is related to the prevalence and vividness of certain stories, not the purely economic feedback or multipliers that economists love to model."
Narrative Economics - Robert Shiller (Nobel Prize in Economic Sciences 2013)
Ai trading đủ lâu trên cái thị trường này đều biết câu chuyện hay nó quan trọng thế nào.
Trừ mấy ông cứ bảo “Nói chuyện phải logic” hay “Cãi nhau phải có số” ra thì ai cũng biết rằng thị trường tài chính là nơi câu chuyện hay nó ăn đứt hết cái logic hay số má của các vị.
Số với logic nhiều khi nó chỉ là mắm muối thêm vào cho câu chuyện nó hay.
Cứ hỏi coin rắm, gamestop, tesla, micro strategies, internet, AI, vân vân và mây mây thì biết.
Tất nhiên không phải nói thế này là mình phủ nhận tầm quan trọng của các con số hay logic trong suy nghĩ. Mình chỉ đang muốn nhấn mạnh câu chuyện mới là thứ gây ảnh hưởng lớn lên hướng đi của tài sản, các con số lắm lúc chỉ giúp kể câu chuyện nó hay hơn mà thôi.
Vì sao câu chuyện lại quan trọng?
Thay vì nghe mình nói về việc vì sao câu chuyện (narrative) lại quan trọng trong giao dịch và đầu tư. Mình sẽ để anh em nghe Godfather of Valuation, Aswath Damodaran - một dân FA/số má chính hiệu làm việc này.
Đầu tiên là một trích đoạn trong podcast dưới đây của Barry Ritholtz (dịch bởi chatGPT).
DAMODARAN: Tôi rất quan tâm đến những con số. Tôi vốn là người thiên về con số. Nhưng tôi cũng rất hứng thú với việc kể chuyện. Với tôi, kể chuyện còn quan trọng hơn nhiều — nếu bạn nghĩ về lịch sử loài người, trong hàng ngàn năm qua, cách chúng ta truyền lại thông tin là thông qua những câu chuyện, không phải con số. Chỉ trong khoảng một thế kỷ trở lại đây, con số mới bắt đầu chiếm vị trí trung tâm.
RITHOLTZ: Thật vậy sao, chỉ mới khoảng một thế kỷ trở lại đây thôi à? Nghe thật thú vị.
DAMODARAN: Thật ra, tôi nghĩ những con số đầu tiên được thu thập là bởi các công ty bảo hiểm từ những năm 1700, nhưng khi đó dữ liệu còn rất riêng tư và không chia sẻ rộng rãi. Bây giờ thì chúng ta có Excel và các công cụ khác, nên việc xử lý dữ liệu trở nên dễ dàng và nhanh hơn rất nhiều. Với tôi, điều thu hút tôi đến với định giá là vì nó là cây cầu nối giữa câu chuyện và con số. Bạn kể câu chuyện về một công ty, rồi chuyển nó thành các con số, và những con số đó cuối cùng trở thành định giá. Tôi thấy điều đó rất hấp dẫn. Tôi không phải kiểu kế toán hay chuyên viên tính toán bảo hiểm. Tôi cũng không phải kiểu chiến lược gia giỏi kể chuyện. Tôi thích kết nối giữa câu chuyện và con số, và định giá là nơi lý tưởng để làm điều đó.
RITHOLTZ: Vậy có thể nói rằng, các câu chuyện (narratives) là thứ tạo nên giá trị?
DAMODARAN: Câu chuyện là thứ tạo nên giá trị. Chính xác là vậy.
RITHOLTZ: Nhưng đôi khi, các câu chuyện lại dẫn dắt giá trị đi đến những nơi mà lẽ ra nó không nên tới.
DAMODARAN: Đúng, đôi khi các câu chuyện bị “nổ” quá đà, và đó là lý do vì sao bạn cần đến các con số để giữ sự kỷ luật. Thực tế là, khi tôi bắt đầu lớp học về định giá của mình — lớp có khoảng 350 học viên MBA, học trong một giảng đường dạng bậc thang — tôi bắt đầu bằng câu hỏi: “Bao nhiêu bạn ở đây cảm thấy mình thiên về con số hơn?” Và khoảng 200 bạn giơ tay — thường là cựu nhân viên ngân hàng, kế toán chuyển ngành, kiểm toán viên, chuyên viên tính toán bảo hiểm, nhà khoa học, dân toán. Còn lại khoảng 150 người thì là những người kể chuyện tự nhiên, tốt nghiệp ngành xã hội nhân văn vì các chương trình MBA bây giờ rất đa dạng.
Và tôi nói với họ mục tiêu cuối cùng của lớp học này là gì. Tôi quay sang nhóm giỏi con số và nói: “Tôi hy vọng đến cuối khoá học, các bạn sẽ đủ tin vào trí tưởng tượng của mình để dám buông lỏng một chút.” Vì họ đã quen cả đời được dạy rằng chủ quan là yếu kém, rằng việc đưa ra phán đoán là điểm yếu. Rồi tôi quay sang nhóm kể chuyện, tôi nói: “Tôi hy vọng đến cuối khoá học, các bạn sẽ đủ tự tin với con số để trở thành những người kể chuyện có kỷ luật.”
Với tôi, định giá giỏi nghĩa là bạn hoặc là một người kể chuyện có kỷ luật, hoặc là một người xử lý số liệu có trí tưởng tượng. Mà tôi nghĩ sự kết hợp này ngày càng hiếm, vì con người bị phân loại quá sớm. Tôi thấy điều đó rõ qua vợ tôi, người đang dạy lớp 5. Ngay từ khi đó, trẻ em đã bị gắn mác là giỏi số liệu, rồi được hướng học những môn về số liệu, chọn ngành về số liệu, và làm công việc về số liệu. Giờ đây, Phố Wall chẳng còn ai là "người toàn năng" (kiểu như thời Phục Hưng) nữa — những người vừa có thể nói chuyện về kịch nghệ, vừa nói chuyện về con số. Và tôi nghĩ đó là một sự mất mát.
RITHOLTZ: Vẫn còn một vài người như thế, nhưng đúng là rất hiếm.
Và cáiYoutube Short này.
Okay. Như vậy chốt lại câu chuyện mới là thứ dịch chuyển con người. Mà thị trường là tập hợp của con người, kể cả có algo máy móc thì cũng là con người điều khiển chúng nó.
Cấu trúc một “chu kỳ” narrative
Những nhà phân tích và giao dịch chuyên nghiệp đều có hiểu biết chuyên sâu về narrative chính và các narrative phụ đang ảnh hưởng lên thị trường mà họ quan sát. Họ hiểu tầm quan trọng của câu chuyện mà thị trường đang kể, và có thể nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận thấy câu chuyện đó đang thay đổi.
Dưới đây là cách Stan Druckenmiller nói về điều này:
"Tôi nghĩ điều tuyệt vời về người mentor đầu tiên của tôi, Spiros Drelles ở Pittsburgh, là ông ấy khiến tôi tập trung vào yếu tố thực sự tác động đến giá cổ phiếu. Bạn không thể chỉ nói, 'Được rồi, đây là một công ty tuyệt vời, và lợi nhuận rất ấn tượng...'
Hãy cho tôi biết mọi người sẽ nghĩ khác như thế nào trong 18 hoặc 24 tháng tới so với tình hình hiện tại. Đó sẽ là lời khuyên số một của tôi cho những người trẻ. Đừng đầu tư vào hiện tại. Hiện tại không phải là yếu tố thúc đẩy giá cổ phiếu, sự thay đổi mới là động lực, và tôi muốn bạn cố gắng hình dung một thế giới khác trong một năm rưỡi tới, và mức giá chứng khoán sẽ giao dịch so với hiện tại dựa trên thế giới bạn hình dung."
Lời nói này của Stan nói lên thách thức đa tầng của việc phân tích narrative.
Sẽ là không đủ nếu chỉ đơn giản lấy narrative hiện tại và “kéo excel” nó ra tương lai.
Bạn cần hiểu đầy đủ narrative hiện tại nhưng sau đó phải có một mô hình hoạt động về cách thức và thời điểm narrative đó có thể thay đổi.
Bạn phải có khả năng lướt trên những narrative đang biến đổi khi chúng phát triển. Phần còn lại của bài hôm nay sẽ giúp bạn giải quyết thách vấn đề này.
Nếu phải “hình ảnh hóa” câu chuyện và đường giá nó ra thì mình nghĩ nó kiểu kiểu thế này.
Bạn có thể nhận ra chart trên cũng khá giống với các phân tích chu kỳ khác như mô hình hoảng loạn/hưng phấn, hoặc như tranh biếm họa “BÁN? BÁN? BÁN? MUA! MUA!” nổi tiếng một thời.
Để rõ ràng, bạn nên luôn có cảm nhận về những điều sau đây trong nền kinh tế và thị trường bạn đang theo dõi và giao dịch:
Những câu chuyện nào đã điều khiển thị trường của bạn gần đây?
Chúng ta đang ở giai đoạn đầu, giữa hay cuối trong các chu kỳ narrative đó?
Những narrative nào có thể trở nên quan trọng trong tương lai và do đó nên nằm trong danh sách quan sát của bạn?
Những narrative nào là narrative ở khung thời gian lớn hơn và nhỏ hơn ảnh hưởng lên thị trường của bạn đang giao dịch.
6 giai đoạn của một narrative (Dựa theo cách miêu tả EW)
Giai đoạn 1: Ít người để ý
Ở giai đoạn này, một câu chuyện mới đang dần hình thành, nhưng hầu như chưa có ai trên thị trường để ý đến. Chỉ một vài nhà đầu tư nhạy bén (quá) có tư duy độc lập và thiên về nghiên cứu bắt đầu bàn tán về nó.
Một số ít những người hay giao dịch ngược trend bắt đầu mở vị thế. Thường sẽ có vài đợt điều chỉnh nhỏ vì những người tin tưởng ban đầu vẫn còn thiếu tự tin. Những trader "ném đá dò đường" kiểu thế này dễ bị chán nản hoặc bị chop khỏi vị thế do giá đi ngược hướng, hoặc đơn giản là họ cảm thấy mình vào quá sớm và không muốn phí thời gian vào một câu chuyện chưa rõ ràng.
Giai đoạn 2: Tích lũy động lực
Ở giai đoạn này, narrative bắt đầu lan tỏa rộng hơn ít nhất là trong giới chuyên nghiệp hoặc chuyên gia. Giá bắt đầu có những phản ứng ngược với narrative cũ và narrative mới bắt đầu có những ảnh hưởng nhất định lên phản ứng của thị trường.
Điều quan trọng để ghi nhớ ở đây là giá và narrative có mối quan hệ reflexivity. Tức là chúng tác động qua lại lẫn nhau chứ rất khó để xác định đâu là nguyên nhân đâu là hệ quả.
Hãy tưởng tượng một cổ phiếu có một câu chuyện rất hấp dẫn, nhưng vẫn đang ở Giai đoạn 1 của chu kỳ, tức là chưa ai để ý đến nó lắm. Một nhà quản lý quỹ tình cờ đọc được một báo cáo nghiên cứu đã phát hành cách đây 2 tuần. Anh ta thấy câu chuyện thuyết phục và bắt đầu mua vào. Nhưng thanh khoản yếu, nên giá nhảy vọt 5%. Một vài vị thế short cũ buộc phải cắt lỗ, còn nhà quản lý quỹ kia tiếp tục gom hàng. Trong hai ngày, cổ phiếu tăng tổng cộng 10%.
Chính vì giá tăng, cổ phiếu bắt đầu lọt vào các bộ lọc theo dõi (nhiều tổ chức và cá nhân thường chạy thuật toán để phát hiện các cổ phiếu có biến động bất thường). Từ đó, sự chú ý lan rộng. Nhà đầu tư và trader bắt đầu tìm hiểu và một số người bị thu hút bởi câu chuyện và thế là dòng tiền tiếp tục đổ vào.
Trong trường hợp này, giá đang nuôi câu chuyện, chứ không phải câu chuyện dẫn dắt giá nữa. Câu chuyện đó vốn đã tồn tại từ ba tuần trước, chỉ là chưa ai để tâm.
Khi đà tăng tiếp tục và cổ phiếu vượt đỉnh 30 ngày chẳng hạn, các quỹ theo xu hướng và các hệ thống giao dịch CTA bắt đầu gia nhập trend. Vòng lặp phản hồi này tiếp tục được mở rộng, nơi biến động giá ảnh hưởng đến kỳ vọng nhà đầu tư, kỳ vọng tạo nên câu chuyện, và câu chuyện lại tác động lên giá.
Giai đoạn 3: Tăng tốc, xu hướng chính
Giai đoạn này là dễ nhận ra nhất. Ngày càng nhiều người xếp hàng gia nhập đội hình những người đã nói câu chuyện này từ giai đoạn 1.
Những cú điều chỉnh nhẹ lập tức bị mua vào. Tin tức tích cực hỗ trợ giá, giá củng cố xu hướng, xu hướng kéo theo lực mua — tất cả tạo nên một vòng xoáy tự khuếch đại (reflexivity). Đây thường là giai đoạn sinh lời mạnh nhất trong một câu chuyện lớn, vì Giai đoạn 3 có thể kéo dài lâu hơn nhiều người tưởng. Một câu chuyện được biết đến rộng rãi không có nghĩa là nó đã "hết sóng". Giai đoạn 3 cũng là lúc sự thổi phồng (hype) lên đến cao trào, thường được khuếch đại bởi giới truyền thông tài chính.
Nhưng bạn cũng đừng lầm tưởng là hype có nghĩa là hồi kết. Thực tế, hype có thể song hành với những cú tăng giá dữ dội, khi nhu cầu vượt xa nguồn cung trong thời gian dài. Thị trường phớt lờ tin xấu, và khuếch đại tin tốt, thậm chí còn có tâm lý "all in" vào câu chuyện.
Giai đoạn 4: Nứt gãy
Ở giai đoạn này, những vết nứt đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Tin xấu xuất hiện, đe dọa đến tính hợp lý của câu chuyện. Câu chuyện đã trở nên phổ biến và có quá đông người tham gia, những người vào sớm bắt đầu nghĩ "có lẽ đã đến lúc chốt lời" và bắt đầu bán ra. Giá điều chỉnh đáng kể.
Những người yếu tay hoặc mới vào bị rung khỏi vị thế, nhưng những người thật sự tin vào câu chuyện lại tranh thủ mua vào, giúp giá ổn định trở lại. Dần dần, tin xấu bị thị trường "quên lãng", và giá từ từ hồi phục về gần đỉnh cũ.
Giai đoạn 5: Hưng phấn cuối cùng và tạo đỉnh
Khi giá vượt đỉnh và tạo mức cao mới, câu chuyện được đẩy ra khắp tất cả các phương tiện truyền thông. Nó trở thành thứ mà ai cũng biết, ai cũng kể. Và khi câu chuyện đã được phản ánh hết vào giá, rất khó để làm giàu nếu bạn chỉ đang làm điều mà ai cũng đang làm. Vị thế nắm giữ cũng thường đạt mức cực đại.
Lực mua càng lúc càng quyết liệt, người nắm giữ thì thêm tự tin, kẻ đứng ngoài thì bị FOMO hành hạ. Tùy vào độ hấp dẫn của câu chuyện, nó có thể vượt ra khỏi truyền thông tài chính và lan sang báo chí đại chúng.
Những “người ngoài cuộc” bắt đầu đổ xô vào, đẩy giá lên mạnh hơn nữa. Đây là giai đoạn bất ngờ và biến động nhất của chu kỳ, khi người bán tạm rút lui và người mua thì tranh nhau nhảy vào. Giai đoạn này thường rất "xóc", đầy cảm xúc, giá dễ vượt đỉnh quá đà.
Đỉnh điểm của câu chuyện và giá có thể đến theo hai cách (1) là quá trình kéo dài, mệt mỏi và từ từ mất lực, hoặc (2) là một cú “phọt” lên như tên lửa rồi sập nhanh như phim hành động khiến mọi người trở tay không kịp.
Nếu bạn đã ăn phần lớn xu hướng, thì việc nhận ra khi nào thị trường bước vào Giai đoạn 6 có thể là bước ngoặt sự nghiệp. Đây là đoạn cuối của chu kỳ — phần "đuôi" của con sóng. Tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận lúc này rất kém, và các chiến lược đi ngược xu hướng thường mang lại hiệu quả tốt hơn là tiếp tục bám trend.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà chiến lược, trader và chuyên gia kinh tế đều mắc lỗi chung: họ ở lại quá lâu với call của mình, và cuối cùng trả lại phần lớn lợi nhuận sau khi thị trường đảo chiều.
Ở giai đoạn tạo đỉnh này của thị trường thường có 1 trong 3 thứ xảy ra (hoặc cả 3).
Narrative xuất hiện trên trang nhất một tờ tạp chí như The Economist, hay TIME.
Các tổ chức cố gắng tìm cách tận dụng câu chuyện để tung ra các sản phẩm mới bán vào con sốt (ví dụ như sản phẩm Futures mới, ETF mới), hoặc tận dụng chốt lời như thông qua hoạt động IPOs.
Giá lên quá cao (hoặc xuống quá thấp) làm mất cân bằng cung cầu rất lớn. Có câu nói nổi tiếng: “Liều thuốc tốt nhất cho giá cao... chính là giá cao hơn”. Ý là khi giá tăng quá mức, nó sẽ tự làm giảm nhu cầu và kích thích nguồn cung — từ đó dẫn đến áp lực giảm giá. (Đặc biệt là ở thị trường hàng hóa)
Giai đoạn 6: Hết trend và quay đầu
Ở giai đoạn này, thị trường hết hứng thú với câu chuyện cũ. Những thứ về câu chuyện này không còn có tác động tới thị trường nữa. Chỉ còn những người thiếu kỷ luật cố bám trụ lấy xu hướng đã gãy.
Chủ đề và câu chuyện trên thị trường cũng giống như xu hướng thời trang vậy. Sự quan tâm của đám đông rất thất thường, có giới hạn, và cũng mau quên. Mọi người nhanh chóng chán một câu chuyện, rồi lại chạy theo thứ gì đó mới mẻ hơn.
Đôi khi điều đó là do yếu tố cơ bản thay đổi, nhưng nhiều khi đơn giản chỉ vì có một câu chuyện khác hấp dẫn hơn, "sexy" hơn xuất hiện.
Sai lầm phổ biến khi phân tích narrative
“Kéo excel” dự báo theo xu hướng mà không chú ý tới việc chúng ta đang ở đâu trong chu kỳ. Đây là extrapolate xu hướng ra chứ không phải dự báo.
Không nắm rõ khung thời gian của narrative: Rất nhiều trader, economists mắc sai lầm khi quá tập trung vào một câu chuyện mang tính chất cấu trúc dài hạn (phải mất nhiều năm mới thành sự thực) và để câu chuyện đó ảnh hưởng đến các quyết định giao dịch hay dự báo ngắn hạn. Luận điểm giao dịch và câu chuyện bạn theo dõi phải phù hợp với khung thời gian bạn đang làm việc. Ví dụ như bạn Short Trung Quốc với khung thời gian 1 tháng, cổ phiếu tụt, bạn lại bảo “đấy thấy chưa dân số Trung Quốc đang già đi mà” … thì là thôi … đúng may hơn khôn.
Quá tập trung vào câu chuyện đơn lẻ của từng loại tài sản mà quên đi bức tranh macro lớn. Ví dụ tiêu biểu có thể kể đến chính là bản thân mình năm 2021. Lúc đấy mình quá say đắm vào cryptos mà bỏ qua việc thầy Jay Powell lên tuyên bố từ bỏ quan điểm “inflation is transitory”. Bạn không thể chỉ nhìn thị trường của mình trong môi trường cô lập. Bạn phải luôn có ít nhất một hiểu biết cơ bản về các câu chuyện vĩ mô quan trọng có tầm ảnh hưởng lên toàn bộ các lớp tài sản trên thế giới.
Kết luận
John Maynard Keynes không chỉ là một nhà kinh tế xuất sắc, mà còn là một nhà quản lý quỹ thực chiến – người buộc phải kiếm được tiền từ thị trường, chứ không chỉ ngồi viết lách trong trường Đại học.
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông điều hành quỹ đầu tư cho King’s College, và Cambridge, với thành tích vượt trội bất chấp những biến động lớn của thập niên 1920–30.
Khác với nhiều nhà kinh tế chỉ giỏi nói khác, Keynes có "skin in the game"
Ông hiểu điều mà rất nhiều nhà kinh tế khác không hiểu: thị trường không vận hành trên mô hình, mà theo … con người.
Cuộc thi sắc đẹp của Keynes là một ẩn dụ kinh điển trong kinh tế học và tài chính, được ông nêu ra trong tác phẩm "The General Theory of Employment, Interest and Money" (1936). Đây không phải là một cuộc thi sắc đẹp thực sự, mà là một ẩn dụ sâu sắc nhằm mô tả hành vi kỳ vọng và tâm lý đám đông trong thị trường tài chính.
Nó kiểu kiểu như thế này.
Một tờ báo đăng ảnh của 100 cô gái và mời độc giả chọn ra 6 gương mặt đẹp nhất theo ý kiến của người khác. Những ai chọn trùng nhiều nhất với bình chọn chung sẽ thắng giải.
Điểm mấu chốt ở đây đó là người chơi không chọn cô gái mà họ thấy đẹp nhất, mà chọn cô mà họ nghĩ rằng người khác nghĩ là đẹp nhất. Hoặc thậm chí là:
Chọn người mà tôi nghĩ rằng người khác nghĩ rằng người khác nghĩ là đẹp nhất.
Keynes gọi đây là "vòng xoáy kỳ vọng bậc hai, bậc ba" – kỳ vọng về kỳ vọng của người khác.
Đối với Keynes, giá cả không phản ánh "giá trị nội tại", mà phản ánh điều mọi người nghĩ rằng người khác đang nghĩ về giá trị đó. Và thị trường bị chi phối rất nhiều bởi sentiment (tâm lý), chứ không phải logic thuần túy.
Như vậy trong giao dịch, việc quan trọng chúng ta cần làm không phải là tìm ra cái gì đúng. Việc quan trọng là chúng ta cần tìm ra cái gì mà số đông mọi người nghĩ là đúng (trước khi tất cả mọi người cùng đồng tình với việc này 😂)
Hay nói cách khác là tìm ra điều thị trường dễ đồng thuận nhất.
Và thị trường thì dễ đồng thuận với câu chuyện nào hay nhất.
Vì câu chuyện đánh vào cảm xúc. Câu chuyện lan truyền. Còn những thứ khác thì không.
Về dài hạn, “lý thuyết” trong trường đại học cho rằng giá tài sản rồi sẽ quay về gần với một mức giá trị hợp lý nào đó (fair value). Nhưng vấn đề là không ai trên đời này thống nhất được "giá trị hợp lý" đó thực sự ở đâu. Thêm vào đó con người thì luôn có xu hướng hành xử phi lý và bầy đàn.
Vì vậy, bạn không thể chỉ dựa vào phân tích cơ bản, rồi mua và nắm giữ tài sản mãi mãi mà không có khung phân tích câu chuyện và hệ thống quản trị rủi ro.
Narrative (câu chuyện) có thể chi phối giá tài sản lâu hơn bạn có thể giữ được công việc của mình với tư cách là một nhà phân tích cơ bản, nhà dự báo hay trader. Đó là lý do bạn phải hiểu cách mà chu kỳ câu chuyện điều khiển giá tài sản.
Việc “hiểu câu chuyện mà thị trường đang kể” nghe thì đơn giản, nhưng để thành thạo, bạn phải dành rất nhiều thời gian đọc và nỗ lực theo dõi sát sao. Tuy nhiên, theo thời gian, bạn sẽ nhận thấy khả năng “đọc narrative” của mình ngày càng sắc bén hơn. Dần dần, bạn sẽ có cảm giác về câu chuyện sắp xảy ra, trước khi nó thực sự diễn ra.
Lúc làm được nó sẽ đem lại một cảm giác rất … đã 😂
Chúc anh em đọc narrative thị trường thành công.
Cheers! 🍻
Telegram channel: https://t.me/AnhHoaSy - Public chat: https://t.me/+i7A3B-RKDNgxNTU1
Discord server: https://discord.gg/g4UzpNfJMz (chỉ dùng làm backup)
Threads city: https://www.threads.net/@anhhoasy
Câu hỏi, phản hồi, comments, hoặc bất cứ chuyện gì liên quan tới trading? Nhắn cho mình vào Telegram id @hoangnguyen0511