Mình đã từng muốn trở thành một trader.
Vài năm về trước, đã có lúc trong đầu mình chỉ ngập tràn toàn những hình ảnh thẩm du tinh thần, mơ mộng về việc làm một trader toàn thời gian. Mình hình dung ngồi trước bàn làm việc ở một văn phòng sang chảnh trên tầng cao chót vót trong một tòa nhà toàn kính nào đó, bao vây bởi sáu con màn hình, biểu đồ xanh đỏ vẽ chi chít chì chịt, giao dịch tất cả mọi thứ trên đời từ cổ phiếu, FX, hàng hóa, chỉ số, option, vân vân và mây mây.
Như một thằng phê đồ.
Nhưng rồi càng già đi, càng giao dịch nhiều, mình càng nhận ra việc giao dịch để kiếm sống nó khó đến mức nào.
Không có trò chơi nào trên đời này mà nó khó như trò này cả.
Khi mọi thứ suôn sẻ, khi mình kiếm được tiền thì mình thấy chẳng có gì khó khăn. Dễ là đằng khác.
Mình thì mình nghĩ rằng không có ai “đúng”, ai “sai” trên thị trường này cả. Tất cả chỉ mang tính thời điểm - quan điểm của anh về thị trường chỉ đơn giản là đang được “ủng hộ” hay đang bị “phản đối”. Góc nhìn hiện tại về thị trường của ai đó, nếu cho nó đủ thời gian và nguồn vốn thì cuối cùng nó cũng sẽ có “thời” của mình.
Cái khoảng thời gian mà quan điểm của mình về thị trường bị “phản đối” là khoảng thời gian vô cùng căng thẳng.
Trading là một cuộc chơi đầy căng thẳng và mệt mỏi.
Những năm đầu mới giao dịch, mình luôn hoạt động trong trạng thái sợ hãi và căng thẳng liên tục. Đi làm ban ngày, tối về trading thị trường Mỹ. Rồi vợ, con, gia đình. Lúc nào mình cũng ở trong tình trạng căng thẳng.
Mọi người thường nói rằng thị trường hay dao động giữa hai trạng thái tham lam và sợ hãi. Mình thì thấy tất cả đều là sợ hãi.
Tham lam thực chất chỉ là một kiểu sợ hãi. Sợ kiếm không đủ nhiều, sợ kiếm không bằng thằng khác, sợ lỡ mất cơ hội, sợ nọ sợ kia sợ đủ thứ.
Và giao dịch thị trường tài chính là một đấu trường kinh hoàng, nơi những kẻ chiến đấu trong đó đều mang căn bệnh tham, sân, si trong tâm hồn. Mình là một người như thế.
Trading được mấy năm, thông qua việc viết lách ở Telegram và substack Anh Họa Sỹ mình gặp không ít những anh em muốn giao dịch để kiếm sống. Nói chuyện với ai mình cũng kể câu chuyện giao dịch thành công là rất khó và xác suất không đứng về phía bạn.
Ông nào không tin mà chỉ tin Youtube thì mình hay dẫn chứng mấy cái nghiên cứu họ làm ở Đài Loan và Hàn Quốc ra. Tóm lại là 90% bỏ cuộc, 9% sống lay lắt, chỉ có 1% là thành công. Mà nói thật là mình cũng không biết 1% này thành công được trong bao lâu.
Ai cũng muốn mình là người nằm trong số 1% này. Mình cũng vậy.
Cứng đầu? Ngu ngốc?
Chắc là thế thật.
Dĩ nhiên, vẫn có những quỹ đầu tư kiếm được tiền và thành công trong thời gian dài. Nhưng điểm khác biệt là họ có cả một hệ thống hạ tầng, công nghệ, thông tin, và lượng người hỗ trợ khổng lồ. Họ có lợi thế quá lớn so với những ông tự trade một mình trong căn phòng 8 mét vuông tại nhà như mình và bạn. Chỉ riêng việc được ngồi giao dịch trong cùng một bầu không khí mà xung quanh toàn những bộ não xuất sắc nghiền ngẫm thị trường đã là một lợi thế vượt trội rồi.
Còn nếu bạn co ro ở nhà, xem Youtube để vẽ vạch và đọc Bloomberg thì coi như 99% là đứt.
Vậy tại sao chúng ta lại muốn làm trader?
Chắc có lẽ lý do rõ ràng nhất là tiền. Tiền thắng được từ giao dịch vẽ bậy bao giờ cũng sướng hơn là tiền kiếm được bằng sức lao động vất vả. Trên đời này, chắc không có gì thỏa mãn hơn việc vào lệnh, thắng thật đậm, nhìn con số nhảy múa trên màn hình đủ tiền tiêu cho cả năm mà “chả phải làm gì”. Và sau đấy thì gáy bô bô về phân tích đỉnh cao của mình trên mạng xã hội cùng số tiền mình kiếm được.
Đéo ai quan tâm.
Và vấn đề ở đây là mọi người đều nghĩ rằng trò chơi và chiến thắng này có thể lặp đi lặp lại. Không những vậy, sai lầm hơn cả là mọi người cho rằng thị trường đi đúng hướng của họ dự đoán bởi chính “lý do” mà họ vẽ ra.
Mọi người nhầm lẫn giữa may mắn và năng lực. Thị trường thì rất giỏi đánh lừa chúng ta vào cảm giác này.
Trên thực tế, để kiếm được tiền từ giao dịch thị trường tài chính, bạn phải có tiền trước cái đã. Nếu bạn bắt đầu với 1 tỉ, trong khi đó chi phí sinh hoạt một năm của bạn là 300 triệu thì bạn phải kiểm được 30% 1 năm để hòa vốn. Ngay cả với những huyền thoại như Stan Druckenmiller, 30% cũng là quá đủ để hài lòng.
Nhiều người ở Việt Nam mình biết còn bắt đầu với con số nhỏ hơn thế này rất nhiều. Thành thực mà nói, nghề này chỉ có ý nghĩa nếu bạn bắt đầu với số vốn nhỏ nhất là 10-20 tỉ và tiêu xài ở mức tối thiểu để khi gặp những năm khó khăn thua lỗ bạn vẫn sống sót.
Nhân việc nói về những trader xuất sắc, mình không nghĩ đó là Stan Druckenmiller hay Soros. Người giỏi nhất mình nghĩ là những người không ai biết tới, ngồi ở nhà, quần đùi áo phông, hút một ngày một bao thuốc lá, uống red bull, và đều đặn kiếm lợi nhuận lớn hơn 100% mỗi năm, thậm chí là 1000%.
Vậy tại sao những ông này không lập một quỹ đầu tư? Bởi vì họ không thể mặc suit đi gọi vốn. Họ không thể diễn giải quy trình của mình một cách chuyên nghiệp. Họ không thể trình bày slide, không thể đối mặt với những ràng buộc và thủ tục pháp lý. Những trader như thế tồn tại, nhưng họ là những con sói đơn độc, không quan tâm đến danh tiếng hay quản lý tiền cho người khác.
Điểm yếu lớn nhất của những trader non trẻ là thiếu kiên nhẫn. Trading là một trò chơi của sự kiên nhẫn. Chúng ta thực tế chỉ dành 1% thời gian để thực sự giao dịch, 9% để nghiên cứu, còn 90% còn lại chỉ để … chờ.
Chờ thị trường dịch chuyển. Chờ setup tới. Chờ ý tưởng của chúng ta phát huy tác dụng. Chờ những thay đổi để biết mình đúng hay sai. Chờ đợi, và chờ đợi.
Đây là lúc mình khuyên các bạn nên có những công việc khác hơn là trading. Ví dụ như đọc, nghiên cứu, viết lách, thể dục thể thao, giao lưu - networking … Chứ cứ cắm mặt vào màn hình giao dịch liên tục thì hết sức độc hại.
Lắm lúc một năm giao dịch trôi qua, mình nhìn lại và thấy mình không những không kiếm được tiền mà còn chẳng làm được điều gì có ý nghĩa hay học được cái gì nên hồn.
Thực sự là lãng phí.
Trading cũng là một nghề cô đơn. Bạn đừng để những bộ phim như The Big Short, hay Margin Call đánh lừa. Đừng hiểu nhầm, đây không phải một nghề thú vị. Mọi kịch tính đều diễn ra trong đầu bạn. Mỗi ngày, bạn đều phải đối mặt với tâm trí của chính mình.
Đây là một cuộc chiến của riêng bạn.
Mạng xã hội còn làm cho mọi thứ trở nên độc hại hơn. Thị trường trông có vẻ dễ dàng trên Facebook, Tiktok, và Twitter. Các ông KOLs không trade được vẽ vớ vẽ vẩn vào một cái chart rồi bốc phét rằng bạn cứ làm như họ là sẽ kiếm được tiền. Đấy là còn chưa kể đến cái mớ thuyết âm mưu, giới tinh hoa, rồi lái nọ lái kia.
Bạn tin họ, rồi nhảy vào, và thị trường cho bạn một phát -20%.
Xin chào mừng bạn tới với trading. Trading chưa bao giờ là dễ.
Ngoài chuyện kiếm tiền và chiến thắng, mình thấy trading chẳng có mấy giá trị về mặt tinh thần. Bạn cô đơn, chẳng có ai trao huy chương cho bạn khi bạn thành công. Bạn bè, người thân, đồng nghiệp cũ, hàng xóm láng giềng sẽ nghĩ bạn là kẻ lập dị, không có công ăn việc làm tử tế. Xong rồi nếu bạn giao dịch được được, có tí tiền thì lại phải cố gắng khoác lên người đồ đạc xe cộ hào nhoáng để chứng minh cho người khác thấy là mình “thành công”, mình cũng có “việc”. Tâm bạn chẳng được yên. Hoặc có chăng là họ sẽ nhờ bạn cho kèo. Đúng thì khen (nhưng không chia cho tí tiền nào), còn sai thì …
Mình thấy rất nhiều phong cách giao dịch, và mình nhận ra rằng có hàng nghìn, hàng triệu cách để kiếm tiền trên thị trường. Nhưng ai cũng nghĩ cách của họ là chân lý duy nhất. Thực ra, đối với mình trading là một trò chơi tùy biến. Cách mình làm là do mình thấy nó hợp với mình, nó giúp ích được cho mình. Nhưng mình sẽ không bao giờ nói nó là cách duy nhất, nó chỉ là một cách trong hàng vạn cách.
Mình thấy bốn điều quan trọng để kiếm được tiền trên thị trường là: Trí thông minh, Edge, Kinh nghiệm, và khả năng Làm chủ cảm xúc.
Những trader thông minh thì thường là những nhà giao dịch tốt hơn, tuy nhiên không phải lúc nào cũng vậy và nó cũng không phải là yếu tố quan trọng nhất. Edge và kinh nghiệm cũng rất quan trọng, nhưng để có hai thứ này bạn cần rất nhiều thời gian, và nỗ lực. Đối với mình, làm chủ cảm xác là điều quan trọng nhất, nhưng để có được điều này bạn cần phải có cả ba thứ trên. Những người có cuộc sống ổn định, hạnh phúc, và tự tin mình nghĩ sẽ giao dịch tốt hơn là những kẻ bất ổn, cuộc sống bấp bênh, không hạnh phúc.
Nhìn lại, mình đã từng là trải qua cả hai thái cực. Và mình biết rõ phía nào giúp mình chiến thắng trò chơi này.
Tóm lại, bây giờ mình vẫn muốn làm một trader. Nhưng kỳ vọng hiện tại của mình đã thay đổi nhiều, và mình cũng muốn làm nhiều thứ xung quanh công việc này hơn là chỉ trading.
Mình viết series Giao dịch cho người ngu này trước hết là cho chính mình. Đứng trước thị trường mình luôn cảm thấy tò mò, phấn khích, và ngu ngốc. Thị trường đối với mình là một mentor thực sự, một người dạy cho mình rất nhiều điều không những là về thế giới bên ngoài kia mà còn về con người bên trong mình.
Sau đó là mình viết cho những người giống như mình, muốn giao dịch thị trường tài chính với những hiểu biết sâu sắc hơn về nó hơn là chỉ kẻ vẽ.
Mình sẽ viết trước tiên là về những framework giúp mình suy nghĩ về thị trường, để từ đó hi vọng là sẽ giúp được bạn tự suy nghĩ về thị trường. Tự phát triển những ý tưởng của riêng bạn, tự thêm vào những góc nhìn mang dấu ấn cá nhân như một người nghệ sỹ dù chơi bản nhạc nào cũng có dấu ấn của riêng mình.
Sau đó, mình sẽ viết chi tiết hơn về từng lớp tài sản quan trọng trên thế giới như tiền, trái phiếu, cổ phiếu, hàng hóa, và bitcoin. Rồi từng quốc gia khác nhau. Cách tiếp cận từ top-down cho tới bottom up. Cách nghiên cứu, xây dựng những ý tưởng giao dịch chắc chắn.
Nhưng không chỉ dừng ở những thứ mang tính lý thuyết như thế, mình cũng sẽ viết về việc xây dựng các quantitative signals, backtest, quản lý rủi ro, workflows, setup, hay những chủ đề quan trọng cụ thể khác khi giao dịch global macro.
Mình viết cũng là để mình học và suy nghĩ thấu đáo hơn về thị trường. Hi vọng là trên con đường làm việc này mình sẽ gặp được nhiều người bạn mới và trader xuất sắc. Mình biết là mình không thể chiến thắng thị trường này nếu đi một mình. Mình cần bạn.
Cuối cùng, series dành cho những kẻ ngu ngốc và cứng đầu tin rằng mình có thể đánh bại được thị trường khi mọi con đường đều chỉ ra thất bại.
Chắc chắn là sẽ có nhiều thứ sai hơn là đúng. Bạn cứ thoải mái góp ý và tranh luận.
Hẹn gặp bạn ở đây.
Hoàng.
mong anh cập nhật liên tục
Hóng tập tiếp theo anh Họa sỹ ơi!