The.View #4: Bessent hạ lợi suất trái phiếu 10-năm
Làm thế nào? Và nếu làm thì chuyện gì xảy ra. Trade idea là gì?
Điểm quan trọng.
Bessent và Trump tập trung vào hạ lợi suất trái phiếu 10 năm thông qua thay đổi cơ cấu nợ và giảm thâm hụt, nhằm tạo điều kiện cho một môi trường tài chính ổn định.
Các biện pháp này bao gồm thay đổi cơ cấu nợ, mua lại nợ, nhưng đồng thời đi kèm với chính sách tài khóa thắt chặt gây áp lực anti-growth.
Sự kết hợp giữa chính sách tài khóa thắt chặt, hạ lợi suất 10-năm của Bessent và các điều kiện tài chính siết chặt sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào giai đoạn thu hẹp ngắn hạn, tạo cơ hội giao dịch với chiến lược Short US Stocks, Long US 2Y và Short USD (qua EUR, AUD); nếu các biện pháp tài khóa được thực hiện hợp lý và Fed duy trì chính sách tạm dừng, lạm phát có thể được dập tắt, mở ra thời điểm mua hấp dẫn.
Xin chào Trader.
Mình là Hoàng và đây là thư The.View tới từ Anh Họa Sỹ Trading. Thư là tổng hợp chi tiết góc nhìn cụ thể của mình về một chủ đề quan trọng trên thị trường tài chính thế giới hiện nay. Thư có mục đích làm rõ hơn những quan sát và phân tích mình có đưa ra ở The Daily Obs. Hi vọng anh em sẽ tìm được ý tưởng giao dịch chắc chắn hơn là chỉ kẻ vẽ.
Hơn 1 tuần trước Scott Bessent có nói thế này trong một cuộc phỏng vấn về trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10-năm.
Tóm lại thì sự tập trung của Bessent và Trump sẽ nằm ở việc họ muốn đẩy lợi suất trái phiếu 10-năm xuống thấp hơn.
Những nhà phân tích và người tham gia vào thị trường đa phần nhìn nhận định hướng chính sách này của Bessent nhắm vào việc thao túng giá tài sản.
Cách hiểu này theo mình cũng là dễ hiểu khi chúng ta vừa đi qua hàng thập kỷ của QE, và ZIRP.
Toàn bộ thị trường và nền kinh tế tác động lẫn nhau tạo nên một vòng tròn. Các quyết định chính sách ảnh hưởng đến nền kinh tế, nền kinh tế tác động đến thị trường tài chính, và thị trường tài chính lại tác động ngược lại đến nền kinh tế.
Chính vì vòng tròn tương tác này, rõ ràng các chính sách có thể thao túng thị trường tài chính sẽ có hiệu quả trong việc tác động đến nền kinh tế.
Tuy nhiên lần này mình không nghĩ như vậy. Mình không cho rằng Bessent và chính phủ Trump muốn thao túng thị trường tài chính.
Mình cho rằng sự tập trung của Bessent vào lợi suất trái phiếu 10-năm là một ý tưởng thú vị và hợp lý. Mối liên hệ giữa lợi suất của trái phiếu dài hạn và các yếu tố kinh tế vĩ mô là rất mạnh và chặt chẽ.
Mình nghĩ tốt nhất là chúng ta tiếp cận những phát biểu của Bessent dưới góc độ cẩn trọng, nhằm buộc chúng ta phải chú ý kỹ đến bất kỳ hành động thao túng nào của chính quyền đối với lợi suất 10-năm.
Tuy nhiên, mình tin rằng Bessent đang cố gắng định nghĩa chính xác hơn tiêu chí đánh giá thành công của các chính sách, chứ ông không nhằm cảnh báo trước cho những hành động thao túng nào trong tương lai.
Trong bài The.View này hôm nay, mình sẽ cố gắng layout ngắn gọn:
Mục tiêu của Bessent
Những cách mà Bessent có thể thực hiện để đạt được điều này
Tác động lên thị trường
Những ý tưởng giao dịch tiềm năng
Bessent 333
“Kế hoạch 333” của Bessent – nếu thành công – sẽ có khả năng dẫn đến việc lợi suất trái phiếu 10 năm giảm xuống.
Mục tiêu của Kế hoạch 333 là đạt được tăng trưởng kinh tế thực có tính disinflationary đồng thời giảm thâm hụt. Việc giảm lạm phát thông qua việc giảm giá năng lượng tạo sức ép làm hạ lợi suất, khả năng điều này cũng sẽ giúp Fed hạ lãi suất và giảm kỳ vọng về lạm phát.
Mặc dù tăng trưởng GPD thực ở mức 3% có thể không được đánh giá cao nếu thành công được đo bằng lợi suất trái phiếu 10 năm. Nhưng vì mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với tăng trưởng dân số và được thúc đẩy bởi một đợt bùng nổ năng suất ngắn hạn nhờ việc deregulation một cách quyết liệt (và có thể có sự tác động của AI), nên lợi suất thực của trái phiếu 10 năm có thể sẽ không tăng nhiều.
Cuối cùng, việc giảm thâm hụt ngân sách một cách hiệu quả sẽ giúp ngăn chặn term premium tăng lên, hoặc tăng rất ít.
Các hành động của Treasury trong thời kỳ khủng hoảng thường được ủng hộ bởi các hành động của Fed, tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại mình nghĩ điều này là khó xảy ra. Nếu có bất kỳ thay đổi nào về chính sách phát hành nợ hay mua lại nợ sẽ không được công bố trước QRA tháng 5. Như vậy khả năng thao túng lợi suất trong ngắn hạn không cao cho lắm.
Đọc những phát biểu của Bessent và kế hoạch 333, mình thấy rằng nếu các chính sách được thực hiện tốt, thâm hụt ngân sách sẽ giảm. Điều này dẫn tới kích thước đấu giá coupon được giữ cố định và kích thước của bills giảm. Việc này sẽ giúp ổn định số lượng bills lưu hành, và lợi suất 10-năm có thể giảm xuống.
Mình thấy một số biện pháp Bessent có thể áp dụng để khiến lợi suất 10-năm giảm xuống như sau:
Thay đổi cơ cấu phát hành nợ
Mua lại nợ và tài trợ việc này thông qua phát hành nợ mới
Can thiệp vào thị trường FX
Khuyến khích/hạn chế các tổ chức tài chính mua bán tài sản thông qua thay đổi chính sách hoặc ưu đãi
Giảm thâm hụt ngân sách qua đó tác động gián tiếp tới thị trường trái phiếu
Hạ lợi suất 10-năm
Thay đổi cơ cấu nợ
Nếu không có những cắt giảm chi tiêu đáng kể theo chương trình DOGE và doanh thu từ thuế quan lớn, Treasury của Bessent gần như chắc chắn sẽ phải xem xét việc tăng kích cỡ đấu giá nhằm kéo dài thời hạn nợ.
Tuy nhiên, theo mình, chính phủ Trump <> Elon sẽ có cả các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thuế quan, điều này khiến mình tin rằng kích cỡ đấu giá của coupons có thể được duy trì ổn định trong thời gian dài.
Đây là một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của mình so với trước đây. Trước đây mình kỳ vọng rằng thâm hụt ngân sách sẽ không giảm trong vài năm tới trước kỳ bầu cử tiếp theo. Tuy nhiên với những diễn biến gần đây mình thay đổi quan điểm này, và việc này sẽ tác động đáng kể lên giá các loại tài sản.
Trừ khi Fed chọn thay đổi chương trình tái đầu tư hoặc điều chỉnh bảng cân đối kế toán trong quá trình rà soát chiến lược, hoặc chính quyền Trump không thể giảm thâm hụt vì bất kỳ lý do gì, mình tin rằng term premiums không có nguy cơ tăng nhanh.
Thay đổi cơ cấu nợ theo mình chính là 1 trong những công cụ chính của Bessent. Thay vì việc duy trì hoặc tăng phát hành bills, Treasury sẽ lựa chọn giảm phát hành bills và duy trì phát hành coupons.
Khi cơ cấu nợ thay đổi, tỷ trọng các khoản nợ ngắn hạn giảm xuống, điều này giúp giảm áp lực lên thị trường vì các khoản nợ ngắn hạn thường có tính biến động cao hơn và thường đòi hỏi mức lãi suất cao hơn để bù đắp rủi ro tái phát hành.
Giảm lượng nợ ngắn hạn đồng nghĩa với việc giảm “rủi ro tái cấp vốn” (rollover risk), từ đó giảm yêu cầu bù đắp rủi ro cho các nhà đầu tư. Điều này làm giảm term premium – phần phụ trội bù đắp rủi ro khi đầu tư vào các trái phiếu dài hạn, giúp hạ lợi suất trái phiếu 10 năm.
Nhiều anh em nghĩ khi thay đổi cơ cấu như thế này sẽ làm tăng lợi suất 10-năm chứ không phải giảm do “tăng cung”. Tuy nhiên …
Việc tăng mức phát hành trái phiếu coupon trong bối cảnh thay đổi cơ cấu nợ không đơn giản chỉ là "tăng cung" theo nghĩa truyền thống mà còn là việc chuyển đổi tỷ trọng giữa các loại nợ khác nhau.
Thông thường, nếu chỉ tăng tổng cung nợ mà không thay đổi gì khác, đúng là điều đó có thể làm tăng yields vì cung vượt cầu. Tuy nhiên, ở đây chính sách không nhằm mục tiêu tăng tổng số nợ, mà là thay đổi cơ cấu phát hành nợ bằng cách:
Giảm phát hành bills và tăng tỷ trọng phát hành coupon dài hạn. Các khoản nợ ngắn hạn thường cần phải tái cấp vốn thường xuyên, tạo ra rủi ro "rollover" và khiến nhà đầu tư đòi hỏi một mức risk premium cao hơn. Khi tỷ trọng bills giảm, rủi ro tái cấp vốn giảm, từ đó giảm mức yêu cầu bù rủi ro.
Trái phiếu coupon trả lãi định kỳ, giúp cung cấp dòng tiền ổn định cho nhà đầu tư. Điều này làm giảm bất ổn liên quan đến việc phải tái đầu tư toàn bộ khoản tiền gốc vào thị trường với điều kiện lãi suất có thể thay đổi. Khi nhà đầu tư nhận được các khoản thanh toán định kỳ, họ có thể chấp nhận mức lãi suất thấp hơn vì rủi ro về lạm phát và tái đầu tư giảm.
Thay đổi cơ cấu nợ theo hướng kéo dài thời hạn (term out) giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào việc phát hành mới trong ngắn hạn. Khi thời hạn của nợ được kéo dài, áp lực lên thị trường trong việc tái cấp vốn cũng giảm, từ đó term premium cũng bớt gặp áp lực tăng.
Tóm lại, mặc dù tăng phát hành trái phiếu coupon có thể xem như tăng cung nếu xét riêng lẻ, nhưng khi đi kèm với việc giảm phát hành bills, thì tổng thể cơ cấu nợ sẽ được cải thiện theo hướng giảm rủi ro tái cấp vốn và tạo dòng tiền ổn định cho nhà đầu tư. Điều này làm giảm bớt áp lực tăng term premium và do đó, yields của trái phiếu kỳ hạn 10 năm có thể giảm thay vì tăng.
Buybacks
Bessent cũng có thể sử dụng chương trình mua lại nợ. Khi Treasury mua lại một phần nợ cũ và tái cấu trúc bằng cách phát hành lại với cơ cấu thay đổi, điều này sẽ giảm số lượng trái phiếu lưu hành.
Khi lượng trái phiếu lưu hành giảm, cung cầu trên thị trường thay đổi theo hướng có lợi cho trái phiếu, giúp giá trái phiếu tăng lên và do đó yields giảm xuống.
Sử dùng Vàng.
Một ý tưởng gần đây được nhiều anh em macro thảo luận đó là sử dụng 8000 tấn vàng được định giá lại từ $42 lên $2800.
Nếu Treasury quyết định “bán vàng” cho Fed theo giá thị trường – hoặc thậm chí cho Fed “vay” vàng để đổi lấy tiền mặt vào Tài khoản TGA – về mặt lý thuyết, họ có thể làm điều đó.
Fed sẽ ghi có vào TGA khoảng 700 tỷ USD tiền tươi.
Mặc dù Treasury không thể trực tiếp “chi tiêu” số tiền này vì chi tiêu tài khóa là chức năng của quốc hội, họ có thể sử dụng số tiền đó để trả nợ hoặc mua lại nợ.
Có lẽ họ sẽ dùng số tiền này để giảm khối lượng bills outstanding xuống 700 tỷ USD, nhưng cũng có thể dùng để giảm phát hành trái phiếu coupon hoặc tài trợ cho các chương trình mua lại nợ đang tồn đọng
Hãy thử xem xét qua trường hợp này xem.
Nếu số tiền được dùng để giảm khối lượng bills, tác động sẽ tương tự như một khoản chi tiêu một lần từ TGA – khác với các khoản chi tiêu TGA trong khủng hoảng hạn mức nợ, khoản tiền này sẽ không cần được bù đắp lại. Điều này làm giảm nhu cầu “kéo dài nợ” (terming out the debt) xuống. Như vậy, nếu không có thay đổi nào khác, việc giảm nhu cầu tăng kích cỡ đấu giá trái phiếu coupon sẽ giúp hạ nhẹ lợi suất trái phiếu dài hạn, điều này là có lợi cho giá tài sản.
Tuy nhiên, có một tác động khác: Việc thanh toán các bills sẽ khiến người nắm giữ chúng – bây giờ có số tiền mới được in ra – tìm cách tái đầu tư. Phần lớn số tiền này có thể được đầu tư vào RRP và gửi tiền tại ngân hàng, đồng thời dẫn đến sự tăng lên của bank reserves. Một phần khác có thể được đầu tư vào tài sản, thậm chí là tài sản nước ngoài, điều này có thể làm tăng giá tài sản và làm suy yếu đồng USD. Nếu toàn bộ số tiền này chỉ chạy vào RRP, thì sẽ không ảnh hưởng đến USD hay financial conditions, nhưng thực tế một phần mình nghĩ chắc chắn sẽ “rò rỉ” ra ngoài.
Mỗi đồng USD từ TGA được sử dụng theo cách này cuối cùng sẽ đi vào RRP hoặc reserves. Điều này khiến Fed phải trả thêm tiền lãi cho các khoản IORB hoặc RRP, làm sâu thêm lỗ trong vốn chủ sở hữu của Fed (nhưng thật ra cũng không quan trọng). Đồng thời, Treasury sẽ giảm được gánh nặng lãi suất ~$30B, từ đó giảm thâm hụt. Số tiền $700B này cũng tạo ra “không gian” cho hạn mức nợ, kéo dài ngày đến hạn hạn mức nợ thêm khoảng 3-4 tháng và trì hoãn việc giải quyết vấn đề hạn mức nợ.
Quan trọng hơn, do Fed đang nhắm tới việc giảm chế độ dư reserves thông qua chính sách “runoff”. Điều này sẽ làm tổng số tiền của RRP cộng với reserves tăng thêm $700B, và do đó Fed có thể sẽ tiếp tục chương trình QT lâu hơn dự kiến. Theo nhiều shops nói có thể thêm 15-18 tháng, thậm chí có khả năng tăng mức giới hạn QT.
Như vậy, cũng giống như việc phát hành bills từng là một mánh khóe của Treasury dưới thời Yellen nhằm “cân bằng lại đối trọng” cho chính sách thắt chặt của Fed, thì việc định giá lại vàng và thực hiện “monetization” đống vàng này sẽ là một mánh khóe của Treasury dưới thời Bessent nhằm nới lỏng financial conditions và hạ lợi suất 10-năm.
Trong giai đoạn dưới thời Yellen, Fed đã hỗ trợ quá trình nới lỏng này đầu tiên bằng việc chọn chính sách runoff và cho đến nay vẫn duy trì chính sách tái đầu tư, mua các trái phiếu có kỳ hạn dài hơn so với những gì khu vực tư nhân phải hấp thụ.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu Fed có chấp nhận chính sách tiền tệ “nới lỏng” này từ phía chính phủ hay sẽ bù đắp lại bằng cách kéo dài chương trình QT và giữ mức lãi suất cao hơn và lâu hơn?
Chúng ta sẽ cùng theo dõi. Tuy nhiên, theo quan điểm của mình, “mánh khóe” sử dụng vàng lần này có lẽ sẽ không được sử dụng.
Can thiệp vào FX.
Cá nhân mình thấy đây là công cụ sẽ không được sử dụng vì tác động của nó rất … không rõ ràng.
Nếu Bessent sử dụng can thiệp vào FX, khả năng ông sẽ muốn đồng USD khỏe. Khi USD khỏe điều này sẽ giúp hạ giá hàng nhập khẩu và từ đó làm giảm áp lực lạm phát. Khi kỳ vọng lạm phát giảm, các nhà đầu tư sẽ không đòi hỏi mức lãi suất cao để bù đắp rủi ro lạm phát, khiến lợi suất trái phiếu dài hạn, như trái phiếu 10 năm, giảm xuống.
Tuy nhiên cả cái chính phủ mới đều muốn USD yếu đi 😂
Thế nên là họ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào sự hiệu quả của các công cụ khác để làm giảm lợi suất 10-năm chứ không phải dùng USD để neo kỳ vọng lạm phát.
Khuyến khích các tổ chức tài chính mua trái phiếu 10-năm
Thông qua các thay đổi về quy định hoặc chính sách ưu đãi, Treasury có thể tác động đến hành vi mua bán của các tổ chức tài chính.
Nếu các chính sách được thiết kế để khuyến khích các tổ chức tài chính mua trái phiếu dài hạn, nhu cầu đối với các trái phiếu này sẽ tăng, từ đó đẩy giá trái phiếu lên và giảm lợi suất.
Ngược lại, nếu có biện pháp hạn chế bán tháo trái phiếu hoặc hỗ trợ các khoản đầu tư dài hạn, cũng sẽ giúp ổn định và giảm lợi suất trái phiếu 10 năm.
Cụ thể thế nào phải chờ mình xem chúng nó tung ra forward guidance nào đã.
Giảm thâm hụt
Các chính sách giảm chi tiêu và cải cách thuế (ví dụ như cắt giảm lãng phí theo chương trình của DOGE) giúp giảm thâm hụt ngân sách. Khi thâm hụt ngân sách giảm, nhu cầu phát hành nợ mới cũng giảm, làm giảm áp lực cung nợ trên thị trường. Nhà đầu tư trở nên tin tưởng hơn vào khả năng kiểm soát nợ của chính phủ, dẫn đến yêu cầu term premium thấp hơn và từ đó giảm yields của trái phiếu 10-năm.
Giảm chi tiêu chính phủ theo mình là “chìa khóa” trong công cuộc hạ lợi suất 10-năm của Mỹ, tuy nhiên việc giảm thâm hụt cũng chính là một dạng anti-growth.
Nhiều chính sách giảm thâm hụt nhằm mục đích ổn định nợ công có thể tạo ra một môi trường "không kích thích" kinh tế. Dù giúp cải thiện niềm tin của thị trường và hạ lãi suất trái phiếu, nhưng giảm kích thích kinh tế cũng đồng nghĩa với việc làm chậm đà tăng trưởng trong ngắn hạn – do đó, chính sách này được xem là anti-growth.
Khi chính phủ thắt chặt tài khóa, doanh nghiệp có thể đối mặt với môi trường kinh doanh khó khăn hơn do giảm đầu tư từ cả khu vực công và tư. Điều này dẫn đến giảm doanh thu, lợi nhuận và cuối cùng là làm suy yếu thị trường chứng khoán.
Tác động lên thị trường
Như vậy mình cho rằng Bessent sẽ chủ yếu dựa vào khả năng cắt giảm thâm hụt, và thay đổi cơ cấu nợ (có thể là cả buybacks) để làm hạ lợi suất trái phiếu 10-năm của Mỹ.
Tiêu cực trong ngắn hạn
Mặc dù giúp hạ lãi suất trái phiếu, nhưng quá trình này đi kèm với biện pháp thắt chặt tài khóa, gây ra tâm lý tiêu cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Khi nhà đầu tư nhận thấy chính phủ đang ưu tiên việc ổn định nợ thay vì kích thích tăng trưởng, họ lo ngại về sự chậm lại của nền kinh tế, làm giảm tâm lý sẵn sàng đầu tư vào cổ phiếu.
Nếu các nhà đầu tư cảm nhận rằng các chính sách tài khóa đang áp đặt một môi trường “không kích thích” kinh tế, họ sẽ có xu hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư, chuyển sang các tài sản an toàn hơn.
Doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh do môi trường tiêu cực, từ đó ảnh hưởng đến giá trị thị trường của cổ phiếu.
Tích cực trong dài hạn
Lãi suất thấp hơn giúp doanh nghiệp vay mượn với chi phí thấp hơn, nếu nền kinh tế không bị ảnh hưởng quá lớn bởi chính sách thắt chặt. Ngoài ra khi lãi suất giảm, điều này cũng hỗ trợ định giá cổ phiếu.
Tóm lại
Mặc dù việc hạ lợi suất 10-năm tạo ra môi trường lãi suất thấp, giúp giảm chi phí vay và tăng định giá, nhưng nếu đi kèm với các biện pháp tài khóa thắt chặt để giảm thâm hụt, nó lại làm giảm tổng cầu kinh tế và kìm hãm tăng trưởng ngắn hạn.
Nếu tác động anti-growth của các biện pháp thắt chặt chiếm ưu thế, thị trường chứng khoán có thể chịu áp lực giảm do kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp giảm và tâm lý tiêu cực từ nhà đầu tư.
Ngược lại, nếu các yếu tố hỗ trợ như chi phí vay thấp và sự chuyển dịch vốn từ trái phiếu sang cổ phiếu được duy trì, một phần tác động tiêu cực có thể được bù đắp. Tuy nhiên, theo quan điểm của mình, triển vọng tổng thể sẽ nghiêng về áp lực giảm trên thị trường chứng khoán.
Trade idea
Với việc phải giảm cung bills, mình nghĩ Long US 2-year note sẽ hay hơn Long 10-year.
Ngoài ra trade idea thuyết phục hơn hẳn là Short US Equities do hiệu ứng tăng trưởng không được như kỳ vọng chiếm ưu thế. Short US Equities cũng có các yếu tố khác như TA, Sentiment, Positioning, Flows, Seasonality ủng hộ hơn.
Short USD cũng là một ý tưởng không tồi khi USD và yields có correlation rất cao.
Kết luận
Mỹ là một quốc gia đặc biệt khi sở hữu đồng tiền dự trữ toàn cầu USD. Mỹ có thể phát hành các khoản nợ để chi tiêu (spending) và sau rồi những khoản chi tiêu này trở thành khoản tiết kiệm (savings) của người khác. Những khoản savings này cuối cùng cũng sẽ được đầu tư vào các khoản nợ của chính chính phủ Mỹ.
Câu hỏi quan trọng còn lại là “khẩu vị rủi ro” của các ông savers so với các lựa chọn của Treasury trong việc phát hành nợ.
Giảm thâm hụt ngân sách làm giảm chi tiêu, giảm tiết kiệm và giảm nhu cầu đối với các khoản nợ của Treasury, nhưng cũng giảm nhu cầu phải phát hành nợ mới. Nếu Treasury phản ứng bằng cách giữ nguyên mức phát hành coupon và giảm bills khi thâm hụt giảm, thì các ông savers sẽ phải nắm giữ nhiều coupon hơn so với bills cho mỗi đơn vị phát hành.
Ưu tiên phát hành trái phiếu coupon thay vì bills, bất kể kích thước phát hành tuyệt đối nào, sẽ có cùng tác động đến term premium về mặt khái niệm như việc tăng kích cỡ đấu giá trái phiếu coupon trong bối cảnh thâm hụt không đổi hoặc thậm chí tăng.
Tuy nhiên, quá trình này diễn ra chậm mà không có bất ngờ đột ngột đối với các nhà đầu tư, như đã xảy ra vào mùa thu 2023 hồi chị Yến làm.
Vì lý do đó, mình nghĩ term premium có thể sẽ tăng dần (và yếu) trong năm nay nếu tất cả các kỳ vọng trên được hiện thực hóa. QRA và tất cả các động thái chính sách liên quan đến ngân sách, cũng như các kết quả kinh tế thực tế, có thể gây ra những thay đổi đáng kể trong cơ chế này.
Điều quan trọng là Treasury có ít thời hạn nợ phân bổ cho khu vực tư nhân hơn so với mức mà họ mong muốn, và bất kỳ động thái nào nhằm kéo dài thời hạn nợ sẽ hỗ trợ việc tăng term-premium, tạo ra một gánh nặng mà thị trường sẽ phải đối mặt.
Cuối cùng, mình kỳ vọng sự kết hợp giữa chính sách tài khóa thắt chặt, biện pháp hạ lãi suất 10-năm của Bessent, và financial conditions vốn đã được siết chặt sẽ tạo ra một áp lực thu hẹp nền kinh tế Mỹ trong vài tháng tới. Mình ưu tiên Short US Stock Indexes (SPX, NDX), Long US2Y, và Short USD thông qua EUR, AUD.
Nếu các nhà hoạch định chính sách tài khóa thực hiện các biện pháp hợp lý nhằm giảm lợi suất 10 năm thông qua cải cách thuế, cắt giảm chi tiêu lãng phí, giảm thâm hụt ngân sách và kéo dài thời hạn phát hành nợ của Treasury một cách từ từ. Công thêm việc nếu Fed duy trì chính sách tạm dừng hiện tại, mình nghĩ rằng lạm phát có thể sẽ được dập tắt hoàn toàn.
Và khi đó mình sẽ là chú bò đầu tiên call anh em múc.
Cheers! 🍻
Telegram channel: https://t.me/AnhHoaSy
Câu hỏi, phản hồi, comments, hoặc bất cứ chuyện gì liên quan tới trading? Nhắn cho mình vào Telegram id @hoangnguyen0511